BỆNH ĐỘNG MẠCH NGOẠI BIÊN: KẺ THÙ THẦM LẶNG GÂY LOÉT LÂU LIỀN HOẶC CẮT CỤT CHI

BỆNH ĐỘNG MẠCH NGOẠI BIÊN: KẺ THÙ THẦM LẶNG GÂY LOÉT LÂU LIỀN HOẶC CẮT CỤT CHI (CẬP NHẬT GUIDELINES 2022)

1) Bệnh động mạch ngoại biên là gì?

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD- Peripheral Arterial Disease) là tình trạng hẹp lòng động mạch dẫn đến thiếu máu nuôi chi (chủ yếu là 2 chân), đặc biệt là khi chúng ta vận động (đi lại...). Bệnh chủ yếu do xơ vữa động mạch gây ra.

2) Bệnh này có thường gặp không?

Trên thế giới có khoảng gần 6% số người lớn bị PAD. Tốc độ tăng nhanh hơn ở các nước có thu nhập trung bình và thấp (tăng 58%) so với 18% ở các nước có thu nhập cao - tính từ năm 2000 đến 2015.

3) Bệnh có biểu hiện triệu chứng như thế nào?

Triệu chứng điển hình là đau cách hồi: đau, cảm giác như bị chuột rút, thường là ở cơ cẳng chân (cơ dép). Đau xuất hiện khi cơ hoạt động (đi bộ… ) và giảm rồi biến mất khi nghỉ ngơi - thường trong vòng 10 phút. Một số bệnh nhân có các triệu chứng không điển hình như đau mông, đau lưng, khó chịu ở chân. Nhiều trường hợp không có triệu chứng.

4) Khi nào thì cần đi khám để phát hiện bệnh?

Những nhóm người cần đến bác sĩ tim mạch để được chỉ định các kĩ thuật phát hiện bệnh ngay cả khi chưa có triệu chứng đau điển hình: bệnh nhân bị tiểu đường, tăng huyết áp, lớn tuổi, hút thuốc lá, béo phì, rối loạn lipid máu, ít vận động…

5) Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?

Bác sĩ sẽ hỏi, khám và chỉ định một số kĩ thuật để chẩn đoán bệnh. Đơn giản và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là chỉ số ABI (Ankle Brachial Index). Người ta dùng siêu âm để đo áp lực động mạch ở cổ chân và so sánh với áp lực ở cánh tay. Khi ABI < 0.9 thì có khả năng bị PAD. Cần lưu ý ở những bệnh nhân bị tiểu đường, bệnh thận mạn do thành mạch vôi hóa nên chỉ số này giảm độ chính xác (khi ABI > 1,4). Trong các trường hợp này cần phải dùng thêm các chỉ số khác để chẩn đoán như: TBI (Toe Brachial index), Tibial Waveform…Nhiều bệnh nhân phải chụp mạch có bơm thuốc cản quang để biết chính xác vị trí động mạch bị hẹp và mức độ hẹp để can thiệp kịp thời.

6) Bệnh này được chữa như thế nào ?

Cũng như một số bệnh do xơ vữa động mạch khác (bệnh động mạch vành …) cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như sau:

6.1: Bỏ thuốc lá:

Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá là một trong những yếu tố mạnh nhất làm phát triển bệnh và biến chứng. Bỏ thuốc lá có thể phòng bệnh và giảm MACE (Major Adverse Cardiac Events) tức các tai biến tim mạch chính và MALE (Major Adverse Limb Events ) tức các tai biến chính ở chân như loét, cắt cụt..

6.2: Kiểm soát đường huyết:

Nếu bệnh nhân vừa bị bệnh tiểu đường vừa bị bệnh PAD thì tỷ lệ tử vong cao gấp 3- 4 lần và nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 5 lần so với người chỉ bị PAD mà không bị tiểu đường.

Dùng thuốc lại DPP-4 (Dipeptidyl Peptidase) giảm được 16% sự tiến triển của PAD và giảm 35% dẫn tới cắt cụt chi trên bệnh nhân tiểu đường type 2.

Dùng nhóm thuốc ức chế SGLT- 2 làm giảm MACE mà không làm tăng nguy cơ cắt cụt chi.

6.3: Điều trị rối loạn lipid máu:

Nếu lipid máu không được kiểm soát tốt bằng các biện pháp điều trị thông thường trước đây thì thêm thuốc nhóm PCSK-9.

6.4: Điều trị tăng huyết áp:

- Theo khuyến cáo, huyết áp tối đa có thể được kiểm soát chặt chẽ tới mức 120 mmHg nhưng không nên hạ xuống dưới 110 mmHg vì sẽ làm tăng nguy cơ tai biến tại chi.

-Thay đổi lối sống: Ăn uống lành mạnh, tăng cường tập thể dục, giảm cân, hạn chế uống rượu, kiểm soát stress. Bệnh nhân nên tự theo dõi huyết áp tại nhà.

* CHÚ Ý ĐẶC BIỆT: khi điều trị tăng huyết áp nên chú ý đối với nhóm thuốc ức chế beta: các nghiên cứu trước đây tránh dùng nhóm này đối với bệnh nhân bị PAD nặng. Tuy nhiên, những nghiên cứu lớn gần đây cho thấy nhóm thuốc này không ảnh hưởng có hại khi dùng cho bệnh nhân bị PAD. Ví dụ: không chống chỉ định trên bệnh nhân bị PAD khi dùng ức chế beta để điều trị các bệnh tim mạch phối hợp khác như bệnh động mạch vành.

6.5: Dùng thuốc ức chế kết tập tiểu cầu và kháng đông:

Không dùng phối hợp hai nhóm thuốc này thường quy cho những bệnh nhân bị PAD không có triệu chứng.

Ở bệnh nhân có triệu chứng: Dùng Rivaroxaban 2.5mg uống hai lần trong ngày, kết hợp với Aspirin (80-100mg) mỗi ngày cho những bệnh nhân có nguy cơ cao bị tắc mạch chi (bị PAD phối hợp với tiểu đường, tiền sử suy tim, suy thận, đau thắt ngực) và có nguy cơ chảy máu thấp.

Không dùng phối hợp của hai thuốc này cho những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ trong vòng một tháng; có bất cứ đột quỵ xuất huyết nào; suy thận có độ lọc cầu thận < 15ml/p.

6.6: Tập luyện thể dục điều trị chứng đau cách hồi:

Đi bộ là liệu pháp được lựa chọn đầu tiên để làm tăng dần khả năng đi bộ về cả khoảng cách và thời gian. Một liệu trình ít nhất kéo dài 12 tuần:

+ Đầu tiên đi bộ trên máy mỗi lần khoảng 8-9 phút. Điều chỉnh độ dốc và tốc độ để có thể tạo cơn đau chân (thường là ở bắp chân) ở mức 3-4 (trong mức thang tối đa là 5) trong vòng 8-9 phút này. Sau đó nghỉ đến khi hết đau rồi lại tiếp tục đợt khác. Làm ba đợt như vậy.

+ Sau khi hết liệu trình điều trị (ít nhất 12 tuần), bệnh nhân cần tiếp tục đi bộ mỗi lần 30 phút, ít nhất ba lần trong tuần.

6.7: Can thiệp mạch hoặc phẫu thuật:

Ngoài việc điều trị nội khoa như trên, một số bệnh nhân được theo dõi và chọn lọc để can thiệp hoặc phẫu thuật.

Can thiệp mạch thường chỉ định cho những bệnh nhân bị đau cách hồi có nguy cơ tắc mạch chi. Mức độ hẹp lòng mạch thường khoảng 70 đến 100%, chiều dài chỗ hẹp thường ngắn, ít bị canxi hóa và tổn thương ở vị trí gần trung tâm hơn như động mạch chậu…

✅ Hệ thống PKĐK Y Đức có bác sỹ và các thiết bị chẩn đoán chuyên sâu về tim mạch, tiểu đường cũng như liên kết với tuyến trên để chẩn đoán chính xác. Phòng khám hiện đang theo dõi, tư vấn, điều trị nội khoa cho nhiều bệnh nhân bị PAD và phối hợp với tuyến trên can thiệp hoặc phẫu thuật khi có chỉ định.

BSCKII Nguyễn Đắc Lực

Tài liệu tham khảo:

1) Epidemiology of Peripheral Artery Disease and Polyvascular Disease/Circulation Research. 2021;128:1818–1832.

2) Canadian Cardiovascular Society 2022 Guidelines for Peripheral Artery Disease.