Chứng ruột kích thích - Irritable bowel syndrome (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng đường ruột gây ra một số triệu chứng: Đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi, có khi táo bón.
Bình thường cơ trơn tại ruột tạo nhu động với những “sóng” đều đặn để đưa nước và thức ăn di chuyển dần xuống phía dưới. Nước và các chất dinh dưỡng được hấp thu dần trong quá trình này. Một “yếu tố kích thích” nào đó làm cho rối loạn hoạt động của các cơ. Khi cơ ruột co thắt sẽ gây đau quặn bụng. Khi “làn sóng” nhu động ruột tăng, ruột không kịp hấp thu nước và các chất từ thức ăn nên dư thừa gây tiêu chảy. Ngược lại nếu “làn sóng” nhu động ruột chậm thì nước và thức ăn tồn tại trong ruột lâu hơn và được hấp thu nhiều gây táo bón.
Người ta gọi là “hội chứng” vì chưa biết chính xác nguyên nhân.
Các yếu tố kích thích bao gồm:
- Sau khi bị nhiễm trùng đường ruột. Dù hết nhiễm trùng, các triệu chứng vẫn tồn tại.
- Một số thức ăn “không hợp”
- Căng thẳng thần kinh, stress.
- Loạn khuẩn ruột...
Đây là một bệnh thường gặp. Cứ 10 người Mỹ thì có một người bị hội chứng này. Thực tế, chỉ có khoảng 50% số người bệnh được chẩn đoán. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Điều trị hiệu quả nhất là phải loại trừ được các “yếu tố kích thích”.
Bài này tập trung vào việc tránh những thức ăn có thể kích thích gây nên các triệu chứng.
Một công thức hiệu quả nhất hiện nay là giảm những đồ ăn FODMAP (Fermentable Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides và Polyols). Đây là những thức ăn hấp thu kém tại ruột vì vậy làm tăng triệu chứng của bệnh. Bao gồm:
- Oligosaccharides chứa fructan gồm các thực phẩm sau: Bột mì, hành, tỏi, đậu (nhất là đậu nành) đào, mận...
- Disaccharides chứa đường lactose gồm: Sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Monosaccharides chứa đường fructose gồm: Táo, cherry, lê..., các loại mật. Polyols chứa sorbitol and mannitol gồm: Vài loại trái cây (táo, bơ, đào, mận, lê...), rau (Súp lơ, bắp, nấm, khoai lang, cần tây...) chất tạo ngọt nhân tạo.
Khối lượng thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng. Không nên ăn nhiều.
Chúng ta có thể tra cứu thêm các loại thực phẩm chứa nhiều các chất trên nếu như không tìm ra “thủ phạm” ở các thực phẩm được giới thiệu ở trên.
Quá trình này chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1: không sử dụng những thức ăn trên trong vòng 4 tuần. Thay thế bằng các thực phẩm có chứa ít các chất trên.
- Giai đoạn 2: Sử dụng lại chúng lần lượt từng loại một trong vòng 6 đến 8 tuần và theo dõi các triệu chứng của bệnh xuất hiện do loại nào và sẽ không ăn chúng nữa.
Một nghiên cứu lớn của Hiệp hội tiêu hóa và gan mật Hoa Kỳ năm 2017 cho thấy khoảng 50- 86% bệnh nhân bị bệnh này đáp ứng tốt với biện pháp điều trị trên.
Một nghiên cứu khác cũng của Hiệp hội trên cho thấy dùng phương pháp này tăng gấp đôi chất lượng sống và giảm mức độ lo âu so với người dùng chế độ ăn thông thường.
*** Lưu ý rằng mỗi người có mức độ đáp ứng khác nhau .
BS CKII Nguyễn Đắc Lực
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Harvard Medical School/ IBS? A low-FODMAP diet may help
HỆ THỐNG PHÒNG KHÁM ĐA KHOA Y ĐỨC
Chúng tôi biết bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Cảm ơn bạn đã trao cho chúng tôi cơ hội để chăm sóc sức khoẻ của bạn.
Hotline: 098 976 3532
Email: hotro@phongkhamyduc.vn
93/81/2B, Khu phố 8, P. Tân Phong, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.
2392, Đường Quốc lộ 1 A, Ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, H. Trảng Bom, Đồng Nai.
173A Nguyễn Lương Bằng, P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.