HỘI CHỨNG ĐAU KHỚP CHÈ - ĐÙI
1. Phần giới thiệu:
Trong thực hành lâm sàng, có nhiều bệnh nhân đau vùng trước khớp gối nhưng khi chụp chiếu…, kể cả MRI, không tìm được nguyên nhân.
Khớp gối có thể chia làm 02 khớp khác nhau đó là khớp chè - đùi (là khớp giữa xương bánh chè và diện ròng rọc của đầu dưới xương đùi) (Hình 1) và khớp chày- đùi (là khớp giữa mâm chày tiếp giáp với đầu dưới xương đùi).
Hội chứng đau khớp chè - đùi là đau phía trước khớp gối có liên quan đến khu vực xương bánh chè và dây chằng vòng (Hình 2) sau khi đã loại trừ tất cả các tổn thương cụ thể khác.
Bệnh này còn được gọi với những tên khác nhau như “Hội chứng đau sau bánh chè”, “Khớp gối của vận động viên chạy bộ”, “Đau phía trước khớp gối chưa rõ nguyên nhân”.
Đây là một bệnh rất thường gặp ở người trẻ siêng vận động. Có khoảng 25 đến 40 % trên tổng số bệnh nhân đau khớp gối tới phòng khám chuyên khoa thể thao. Một nghiên cứu khác cho thấy khoảng 20 % thiếu niên bị hội chứng này (1).
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ:
Dù không xác định được nguyên nhân rõ ràng nhưng người ta cho rằng đau có thể gây được gây ra bởi 03 yếu tố sau đây:
- Sử dụng đầu gối quá mức.
- Chân không thẳng trục (Chân đi chữ X hay chữ O).
- Chấn thương.
Trong đó việc sử dụng khớp gối quá mức là hay gặp nhất.
3. Chẩn đoán:
Chủ yếu dựa vào bệnh sử và lâm sàng (Bệnh nhân đau tăng khi làm động tác squat (80% bệnh nhân đau khi làm động tác này) (Hình 3), chạy bộ, lên xuống cầu thang hay ngồi lâu.
Các cận lâm sàng chỉ là để loại trừ các bệnh khác trong khu vực.
4. Chẩn đoán phân biệt (Xem bài kỳ trước- Đau khớp gối - bài 1): Chẩn đoán nguyên nhân đau khớp gối, phần: Đau phía trước).
5. Điều trị:
Hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Chủ yếu là giảm đau và tập luyện giúp các khối cơ vùng đùi, chậu khỏe lên để đỡ áp lực cho khớp và làm cho xương bánh chè trượt thẳng trục trên diện ròng rọc của lồi cầu đùi từ đó sẽ giảm đau và tăng chức năng của khớp.
5.1. Giai đoạn cấp tính (trong tuần đầu)
Hầu hết các chuyên gia do rằng yếu tố quan trọng gây đau là tăng tải của khớp gối. Vì vậy, việc điều trị trong giai đoạn này là tránh tất cả những hoạt động mà chúng gây đau cho khớp.
Dùng thuốc kháng viêm giảm đau.
Chườm đá.
Chưa có kết quả để chứng minh hiệu quả điều trị của siêu âm, điện xung…
5.2. Giai đoạn sau:
Chủ yếu là tập luyện phù hợp, kéo dài. Về các bài tập sẽ được các bác sỹ tại hệ thống phòng khám đa khoa Y Đức hướng dẫn cụ thể.
Quý bệnh nhân có thể tham khảo thêm trên You Tube: Fix Knee Cap Pain FAST! Exercises For Patellofemoral Pain.
Chưa có một nghiên cứu lớn nào cho thấy được biện pháp điều trị đặc hiệu ở giai đoạn này. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 40 % bệnh nhân tiếp tục bị đau kéo dài một năm sau khi được điều trị bảo tồn.
Có thể dùng đai, băng ép khớp gối nếu chúng giúp giảm đau.
Các biện pháp dùng giày hỗ trợ độ cao, tư thế, tiêm các thuốc vào khớp chưa có nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả tốt.
BS CKII NGUYỄN ĐẮC LỰC
Tài liệu tham khảo:
1) Patellofemoral pain/ Authors: Francis G O'Connor, MD, MPH, FACSM, FAMSSM Sean W Mulvaney, MD
Literature review current through: Feb 2023. | This topic last updated: Jul 13, 2022.
2) Approach to the adult with knee pain likely of musculoskeletal origin/Authors: Anthony Beutler, MD Karl B Fields, MD/ Literature review current through: Feb 2023. | This topic last updated: Sep 12, 2022.
3) Approach to the adult with unspecified knee pain/ Authors: Carlton J Covey, MD Robert H Shmerling, MD Literature review current through: Feb 2023. | This topic last updated: Sep 12, 2022.
----------
HỆ THỐNG PHÒNG KHÁM ĐA KHOA Y ĐỨC
Chúng tôi biết bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Cảm ơn bạn đã trao cho chúng tôi cơ hội để chăm sóc sức khoẻ của bạn.
Hotline: 098 976 3532
Email: hotro@phongkhamyduc.vn
93/81/2B, Khu phố 8, P. Tân Phong, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.
2392, Đường Quốc lộ 1 A, Ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, H. Trảng Bom, Đồng Nai.