Ngón tay lò xo là một bệnh rất thường gặp, chiếm khoảng 2% dân số. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi khoảng 50 - 60.
1) Cơ chế:
Các ngón tay của chúng ta co duỗi bình thường được là do các sợi gân chạy trơn tru trong vỏ bọc (bao gân) - như dây phanh (thắng) xe đạp. Khi bị viêm sẽ làm “lõi” và “vỏ” không còn trơn tru nữa (như dây phanh bị khô dầu nhớt), có khi bị dính. Bao gân bị dày gây “chén ép” gân (hình 1). Vì vậy, việc co duỗi ngón tay sẽ bị khó, có khi kêu bật bật hoặc dính lại không tự duỗi ra được (Hình 2).
2) Triệu chứng:
- Đau ở gốc các ngón tay phía gan tay, đau tăng khi ấn vào. Co duỗi ngón tay khó khăn, có khi gây bật bật hoặc dính lại không tự duỗi được, đặc biệt là sáng sớm khi ngủ dậy.
- Có thể thấy một cục nhỏ ở gốc ngón tay phía lòng bàn tay.
3) Nguyên nhân:
Cho đến nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho rằng do nghề nghiệp phải sử dụng ngón làm những động tác lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài. Tuy nhiên, quan điểm này đang còn gây tranh cãi.
Theo thống kê cho thấy bệnh hay gặp ở phụ nữ, thường trên 40 tuổi, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, gout, bệnh thoái hóa dạng bột (amyloidosis), suy giáp, hội chứng ống cổ tay, gãy xương kiểu Dupuytren.
4) Điều trị:
Một số trường hợp bị nhẹ có thể tự khỏi theo thời gian mà không cần điều trị.
Các phương pháp điều trị gồm:
- Nghỉ ngơi, tránh một số động tác.
- Dùng thuốc kháng viêm, giảm đau dạng NSAIDS.
- Cố định bằng nẹp (hình 3).
- Tiêm bao gân Corticoid làm giảm viêm: Hiệu quả của phương pháp này khoảng 50 - 70%. Triệu chứng có thể giảm trong vài ngày nhưng phải mất vài tuần mới hồi phục hẳn. Phương pháp này kém hiệu quả ở bệnh nhân bị bệnh do đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp. Một số trường hợp có thể tái phát cần phải tiêm mũi thứ hai (cách mũi đầu ít nhất 1 tháng). Tuy nhiên, hiệu quả sẽ kém hơn mũi đầu.
Biến chứng của phương pháp này rất hiếm. Tuy nhiên, nếu pha thuốc và liều lượng không đúng cũng như chưa có kinh nghiệm mà tiêm không vào đúng bao gân có thể gây teo gân, cơ, gây lõm và/hoặc thay đổi màu da vùng tiêm.
- Phẫu thuật: chỉ sử dụng khi các biện pháp trên không hiệu quả hoặc không phù hợp với hoàn cảnh từng bệnh nhân.
Rạch mở rộng một phần “vỏ” (bao gân) để “lõi” (gân) không còn bị “chèn ép” (hình 1)
Có hai phương pháp phẫu thuật: Mổ hở và mổ kín - chỉ xuyên kim dưới da.
Cần hạn chế vận động ngón tay trong vài ngày sau mổ. Mổ hở thì phải nghỉ khoảng ba đến bốn tuần nếu phải làm việc tay chân.
Khi mổ kín dưới da thì không cần phải nghỉ làm việc lâu như trên.
Phẫu thuật có hiệu quả gần 100 % nhưng có một hạn chế là phải nghỉ dài ngày sẽ ảnh hưởng tới công việc...
Gần 30 năm nay tôi đã điều trị hàng nghìn bệnh nhân bị bệnh ngón tay lò xo và nhận thấy rằng: Hầu hết cần phải tiêm Corticoid do đa số bệnh nhân tới trễ. Một số bệnh nhân tái phát nhưng gần như được giải quyết bằng tiêm mũi tăng cường hoặc phẫu thuật. Rất hiếm khi gặp biến chứng.
Bệnh nhân cần tới bác sỹ sớm ngay khi mới phát hiện để được điều trị bằng các phương pháp đơn giản mà hiệu quả.
BS CKII Nguyễn Đắc Lực
Tài liệu tham khảo:
1) https://www.nhs.uk/conditions/trigger-finger/ Page last reviewed: 18 March 2022
2) https://www.uptodate.com/.../trigger-finger-stenosing...